Các ngân hàng cho rằng, lộ trình giảm lãi suất đã nhanh, DN lại nói còn rất chậm. Đó là sự “bất đồng quan điểm” tại hầu hết cuộc đối thoại ngân hàng - DN thời gian qua.
Và không khí tại “Hội nghị kết nối DN - ngân hàng” diễn ra tại TP. HCM sáng ngày 28/7 cũng không phải là ngoại lệ.
DN: “Ngân hàng còn khắt khe”
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, thị trường tiền tệ đang ngày càng ổn định hơn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng hạ dần, đến nay xuống còn dưới 15%/năm. Các NHTM cũng đã tích cực tham gia điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các hợp đồng tín dụng trước đây, cơ cấu lại nợ của DN. Nếu tại thời điểm 15/7, các khoản vay cũ phải giảm lãi suất xuống 15%/năm chiếm 60% trong tổng dư nợ của ngành, thì đến 27/7 chỉ còn khoảng 35%.
Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Bến Thành cho rằng, nhiều khoản vốn vay có lãi suất trên 18%/năm chưa được điều chỉnh và DN mong muốn tiếp cận được lãi vay 12 - 13%/năm, chứ 15%/năm vẫn còn quá cao.
Còn theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến, vấn đề giảm lãi suất khoản vay cũ nhìn chung đã được các NHTM thực hiện khá nghiêm túc và lãi suất khoản vay cũ của DN này đã về 15%/năm. Tuy nhiên, ông Kiên cho biết: “Hiện các ngân hàng nhìn DN khắt khe đến mức DN không thể tiếp cận được vốn, chứ không hẳn là vấn đề lãi suất. Hai năm rồi, Công ty chúng tôi phát triển thêm hai phân xưởng sản xuất. Trước bối cảnh khó khăn, vừa rồi UBND TP.HCM có hỗ trợ Công ty một khoản vốn nhưng rất nhỏ; trong khi đó, DN nội địa gặp khó là hàng Trung Quốc tràn qua ngay”.
Cũng theo ông Kiên, mỗi năm Công ty cần 40 tỷ đồng để cho ra đời khoảng 400.000 sản phẩm là cặp học sinh. Nhưng nếu so với nhu cầu thực tế của thị trường 23 triệu học sinh như hiện nay thì thị phần còn rất lớn. Song cái khó nhất của Minh Tiến chính là đã cạn tài sản thế chấp để có thể vay được vốn từ ngân hàng.
Tổng giám đốc Công ty Vissan, ông Văn Đức Mười cũng cho hay, hiện các DN đang gặp khó khăn trên diện rộng: sức mua của thị trường giảm, đầu ra sản phẩm thu hẹp và áp lực lãi vay lớn… Vì thế, giảm lãi suất chỉ là một trong những điều kiện cần để DN tồn tại, phát triển.
“Ngành ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay. Đó là hành động quyết liệt, nhưng DN có tiếp cận được vốn rẻ không, có muốn tiếp cận vốn mở rộng kinh doanh hay không khi đầu ra khó khăn… là những câu hỏi không dễ trả lời”, ông Mười cho biết.
Ngân hàng: “Đã nỗ lực chia sẻ”
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank nhận định, hiện hàng tồn kho của DN lớn gấp đôi so với dư nợ ngành ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng bắt nguồn từ sức cầu suy giảm nghiêm trọng. Tảng băng tồn đọng hàng hóa tạo nên nợ xấu, nên các DN và ngân hàng không thể làm ăn bình thường. Nếu không phá tảng băng lớn này của nền kinh tế thì DN và ngân hàng đều khó khăn. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, theo ông Phước, cả hai phải cùng chia sẻ. Ông Phước cho biết, tại Eximbank, Ngân hàng đã dành 63% tổng vốn tín dụng cho địa bàn TP. HCM, đồng thời cơ cấu, giãn nợ cho trên 630 DN với 3.863 tỷ đồng.
Ông Phước cũng cho rằng, các DN cần tránh nhầm lẫn trong thống kê: lãi suất danh nghĩa và chi phí vốn. Huy động 9%/năm và cho vay ra 15%/năm, nhiều người cho rằng, các ngân hàng được hưởng mức chênh lệch khá lớn. Song thực tế, ngoài chi phí huy động 9%/năm, còn có dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung…
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng cũng là DN, nên việc kinh doanh phải có lợi nhuận. Do đó, ngân hàng và DN phải kết nối với nhau để từng bước giải quyết khó khăn chung”.
Chỉ tính riêng tại khu vực TP. HCM, Vietcombank có khoảng 50.000 tỷ đồng phải điều chỉnh lãi suất xuống 15%/năm và hiện có khoảng 73,5% nợ vay tại Ngân hàng có lãi suất chỉ khoảng 13%/năm trở xuống. Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank, nghề ngân hàng là huy động vốn để cho vay, nhưng phải có trách nhiệm bảo quản tiền gửi, nên không dám hạ chuẩn cho vay.
Đại diện BIDV cho biết, Ngân hàng xác định chung tay cùng DN, nên lợi nhuận 6 tháng đầu năm của BIDV đã giảm 20% so với 2011. Điều này rất cần DN biết để cùng chia sẻ.
Trước những thắc mắc của DN, Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đang theo dõi sát để đốc thúc các NHTM tiếp tục giảm lãi suất khoản vay cũ cũng như cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, việc yêu cầu ngân hàng đưa lãi suất khoản vay cũ xuống 15%/năm là mang tính hành chính, thể hiện sự chia sẻ với DN. Giả sử có văn bản thì cũng không có hiệu lực pháp lý đối với các khoản vay trước đây, vì đó là hợp đồng kinh tế, không hồi tố.
“Quan điểm của NHNN là yêu cầu các NHTM cùng góp sức chia sẻ khó khăn chung của kinh tế và giúp tháo gỡ khó khăn cho DN. Bởi DN khó khăn thì ngân hàng cũng khó nên cần có sự chia sẻ lẫn nhau trong bối cảnh thị trường hiện nay”, Thống đốc nói.
Qua ý kiến của các DN thảo luận tại hội nghị, Thống đốc cho rằng, mặc dù mức lãi suất hiện nay chưa đáp ứng 100% nhu cầu DN, nhưng đã có chiều hướng giảm, nhiều DN tiếp cận lãi suất khá thấp trong thời gian này và đã được giãn nợ cũ. Khi CPI giảm, lãi suất huy động và cho vay sẽ còn giảm, nhưng khi nào xuống được 10%/năm thì chưa thể chắc chắn, dù đó là mong muốn của Chính phủ và NHNN. Trong bối cảnh hiện nay, không thể tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động, vì nếu lãi suất giảm, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng mà đầu cơ vào các kênh khác như ngoại tệ, dẫn đến nguy cơ biến động tỷ giá.
Thống đốc cho biết, đối với những đơn vị chưa được điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm, DN cần làm việc trực tiếp với ngân hàng để giải quyết. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, đòi hỏi ngân hàng chia sẻ, nhưng DN cũng phải nỗ lực. “Đây là lời kêu gọi, đề nghị và nhiệm vụ chính trị để các ngân hàng triển khai, chứ không phải quyết định hành chính. Vì quyền lợi của cả nền kinh tế, DN và ngân hàng phải có trách nhiệm chia sẻ với nhau”, ông Bình nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét