Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Ngân hàng đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn

Để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và tránh sáp nhập, hợp nhất (M&A) hay thâu tóm, trong kế hoạch hành động năm tài chính 2012, không ngân hàng nhỏ nào bỏ sót phương án tăng vốn. 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
                         <<  Ngân hàng Habubank Tự Tin Phát Triển>>
 
 Xu hướng M&A ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo còn sôi động trong thời gian tới. Cách duy nhất để tồn tại đối với các ngân hàng có năng lực tài chính và sức cạnh tranh còn yếu kém chính là từng bước củng cố nội lực bằng cách tăng vốn điều lệ.

Ngày 29/5, đại hội đồng cổ đông VietABank đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước. Song động thái thoái vốn của cổ đông lớn SJC khỏi VietABank cũng khiến cổ đông Ngân hàng không khỏi thắc mắc và lo lắng. Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT VietA Bank, ông Phương Hữu Việt cho biết, Ngân hàng đã nhận được công văn SJC sẽ thoái vốn tại VietA Bank, nhưng đến nay, điều này chưa được thực hiện.

Để củng cố nội lực và không chọn hình thức M&A, NamA Bank sẽ tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. Vốn điều lệ SaigonBank cũng sẽ được nâng lên 3.500 tỷ đồng trong năm 2012, từ mức xấp xỉ 3.000 tỷ đồng hiện nay. Tương tự, OCB cũng lên kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012, thay vì mức 3.234 tỷ đồng hiện tại.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 của OCB vừa diễn ra, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, cần thiết phải tăng vốn điều lệ để đảm bảo năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn theo mục tiêu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, OCB cần tăng vốn để gia tăng tiềm lực và tạo bước phát triển mới cho Ngân hàng, phát triển mạng lưới, hạ tầng…

Với diễn biến của thị trường còn nhiều khó khăn, giá cổ phiếu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng vẫn trong xu thế lình xình và khó có thể cải thiện, thì việc phát hành thêm cổ phiếu của các ngân hàng được nhận định là khó có thể thu hút được cổ đông hiện hữu, dù họ đã đưa ra nhiều ưu đãi và giá bán chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh hiện nay, không phải nhà đầu tư nào cũng hào hứng bỏ thêm vốn đầu tư, đặc biệt là ở những ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ và vừa. Trong khi đó, lượng cổ phiếu phát hành mới được các ngân hàng ồ ạt phát hành ra thị trường năm nay là rất lớn. Thực tế, không chỉ với ngân hàng nhỏ, mà ngay cả nhiều đơn vị lớn cũng không quên trình cổ đông kế hoạch tăng vốn trong kỳ đại hội thường niên năm nay.

Chẳng hạn, DongABank vừa hoàn tất kế hoạch tăng vốn từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và sắp tới còn phát hành thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu để tăng lên 6.000 tỷ đồng trong quý IV/2012.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tăng vốn là một giải pháp để giúp ngân hàng nhỏ tăng thêm năng lực tài chính và sức cạnh tranh. “Tuy nhiên, tăng được vốn điều lệ trong lúc này không phải là điều dễ dàng đối với ngân hàng nhỏ khi xu hướng M&A gia tăng. Với ngân hàng nhỏ yếu kém, M&A chính là lối đi tốt nhất”, ông Nghĩa nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét